Trang phục dân tộc Hà Nhì ở Huổi Luông
Trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì cũng giống như trang phục của các dân tộc thiểu số miền núi đều mang dáng dấp hoa văn của miền núi rừng với những màu sắc tương phản khắc họa những bông hoa, lá cành nơi rừng núi thể hiện sự hòa hợp, gắn liền với mẹ thiên nhiên trong suốt chiều dài lịch sử từ khi hình thành và phát triển và lưu giữ được đến ngày hôm nay.
Đối với dân tộc Hà Nhì, việc may vá, dệt vải, thêu thùa là việc của chị em phụ nữ với bàn tay khéo léo để xe từng sợi chỉ, dệt từng tấm vải để may ra những bộ quần áo đầy hoa văn sắc màu sặc sỡ. Việc làm sợi và dệt vải là công việc hết sức tỉ mỉ và kỳ công qua rất nhiều giai đoạn để có được tấm vải may áo, do đó mỗi tấm áo của người Hà Nhì là chứa đựng công sức không thể đo đếm được của người phụ nữ Hà Nhì.
Thiếu nữ hà nhì đang ngồi khâu vá khi nông nhàn
Trước đây, không có máy móc hỗ trợ mọi khâu sản xuất trang phục đều thủ công bằng tay của người phụ nữ, từ khâu kéo sợi, xe sợi, dệt vải, nhuộm màu, cắt may, thêu hoa văn để tạo nên tuyệt tác trang phục của dân tộc.
Trang phục truyền thống của người Hà Nhì ở Huổi Luông không quá cầu kỳ về mặt hình thức cũng như phối màu nhưng cũng có những nét chấm phá rất đặc trưng như đường viền được thêu bằng những tông màu sáng, tương phản với màu vải đen, chuộng các gam màu ấm nhưng hồng, đỏ, tím để làm hoa văn trang trí, hoa văn trang trí thường lấy biểu tượng bông hoa hoặc các hình khối bầu dục, hình thoi mang biểu tượng của các hạt giống trong sản xuất nông nghiệp.
Cho đến nay, trang phục của người Hà Nhì không chỉ để mặc hàng ngày mà còn phục vụ trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ do đó nhiều chị em đã khéo léo cách tân kiểu dáng để phù hợp với nhiều hoạt động khác nhau đã đem lại cho trang phục người Hà Nhì màu sắc tươi mới nhưng nhiều nét đặc sắc trong trang phục của dân tộc Hà Nhì vẫn còn được lưu giữ và truyền tụng đến các thế hệ mai sau.
Theo: C.G